Nhận xét Phan_Ngọc

  • "Phan Ngọc là một nhà khoa học đồng thời là một nhà tư tưởng. Và có lẽ, ông ham trở thành một nhà tư tưởng hơn. Thậm chí một nhà lập thuyết. Bởi vậy, ông thường đẩy những vấn đề khoa học (đôi khi chưa được nghiên cứu đầy đủ) thành những "thuyết", những "luận". Tôi không dám chắc một trăm phần trăm để có thể nói rằng "thuyết bricolage" về bản sắc của văn hóa Việt Nam là đúng hay sai (tuy đôi khi trong khoa học đúng sai chưa phải là quan trọng mà quan trọng là vấn đề kích thích sự nghĩ suy của xã hội). Nhưng tôi cho rằng, ít nhất, thuyết "lắp ghép" rất đúng với cá nhân nhà lập thuyết..."_PGS-TS Đỗ Lai Thúy - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật[4].
  • "Những công trình đồ sộ rất khó lòng giới thiệu đầy đủ của học giả Phan Ngọc là kết quả của một đời nghiên cứu, dịch thuật, sáng tạo không biết mỏi mệt. Khi về già, thầy mới được xuất ngoại, lần đầu nhìn thấy "mây trời ngoại quốc", dự các hội nghị khoa học và thuyết trình ở các trường đại học lớn ở Paris, Bắc Kinh, Băng Cốc. Ở đấy, người ta trân trọng giới thiệu thầy là "dịch giả Shakespeare, Sử ký Tư Mã Thiên và Mỹ học Heghen" có nơi gọi thầy là "một phần viện Triết học, Văn học, Sử học cộng lại". Ở Bắc Kinh, người ta nói: "Những học giả như ông Phan Ngọc ở Trung Quốc nay không còn nữa..."_PGS.TS Nguyễn Thái Hòa - Trường ĐHSP Hà Nội[4].
  • "Vận dụng thao tác cấu trúc vào nghiên cứu văn học, Phan Ngọc đã thể hiện một tài năng hơn người. Ông không nghiên cứu hình thức thuần túy như những con cờ trên bàn cờ văn học mà đi sâu khám phá, lý giải sức tác động, độ khúc xạ của những quan hệ hiện thực, lịch sử vào sự tạo thành của hình thức văn học. Vì thế công trình của ông thường có nội dung văn hóa, lịch sử phong phú. ở đây thể hiện sự uyên bác, lịch lãm và tài hoa của người nghiên cứu" - GS Trần Đình Sử[4].
  • "Trong phần giới thiệu ở dạng tóm tắt nội dung dài 50 trang mở đầu bản dịch Mĩ học, Phan Ngọc trình bày một bản hướng dẫn sử dụng cái cỗ máy tư tưởng khổng lồ và có vẻ dễ gây sự cố này sao cho an toàn nhất, trên cơ sở kết hợp hai thái độ căn bản cần phải có: a) phải lấy chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lý thuyết phản ánh để phê phán những khuyết điểm và hạn chế ở Hegel; b) phải nhìn nhận những đóng góp tích cực nhất định của Hegel. Sở dĩ chúng là những đóng góp đáng nghiên cứu bởi chúng chẳng những không hoàn toàn mâu thuẫn mà còn tương đối gần với chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lý thuyết phản ánh. Thái độ thứ nhất là đương nhiên, không có gì cần chú ý. Nhưng thái độ thứ hai là thứ cho phép những người đỡ đầu như Phan Ngọc dường như vừa đi đúng đường lối vừa giúp cho đường lối ấy khỏi chết cứng trong giáo điều. Vị trí tuy-đúng-đường-lối-nhưng-không-giáo-điều vốn là sự lựa chọn ưa thích của giới trí thức trong nước..... Song như thế nào mặc lòng, trong trường hợp cụ thể này thì lựa chọn của Phan Ngọc khiến ông phải hiểu, trình bày và chuyển tải Hegel sao cho chúng ta đủ hình dung ra một trí tuệ tuy có những cái "trác việt" của nó nhưng đầy hạn chế không thể tự vượt qua, một trí tuệ ắt phải đi đến chỗ "bi kịch", "quái đản", "bế tắc"......Tôi xin phép khẳng định ngay rằng, đánh giá bản dịch của Phan Ngọc bằng cách so với nguyên tác là việc không đòi hỏi công sức gì đáng kể. Nếu nó chỉ có một số sai sót thì tìm ra chúng giữa gần một triệu chữ sẽ khổ công lắm. Nhưng nó không sai sót một cách khiêm tốn như vậy. Thật may là gần như toàn bộ bản dịch đều sai cả." - Phạm Thị Hoài nhận xét về bản dịch Mỹ học (2 tập) của Heghen (Nhà xuất bản Văn học).[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phan_Ngọc http://ngonnguhoc.org/index.php?option=com_content... http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=30&... http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=36&... http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2008/7/523... http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2013/8/569... http://www.nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/... http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140419/nha-bac... http://www.vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-ngh... http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/1507/seo... http://htu.edu.vn/trung-tam-thu-vien/506-gi%C3%A1o...